Họp Ban Chỉ đạo lần thứ tư Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025
Chiều ngày 15 tháng 01 năm 2025, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp ban chỉ đạo lần thứ tư Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020–2025 (Chương trình DEPP3). Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long và Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz đồng chủ trì.
Tham dự buổi họp, về phía Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị tham gia thực hiện Chương trình DEPP3 gồm Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Về phía Đan Mạch có đại diện Đại sứ quán Đan Mạch, Cục Năng lượng Đan Mạch. Ngoài ra, tham dự buổi họp còn có các cán bộ, chuyên viên của các bên.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu khai mạc tại cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long gửi lời cảm ơn tới ngài đại sứ, các cố vấn kỹ thuật dài hạn của Chương trình và các cộng sự của Cục Năng lượng Đan Mạch, đồng thời khẳng định, Đan Mạch là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Cuộc họp ngày hôm nay là cơ hội để chúng ta rà soát, cùng nhìn lại những hoạt động đã triển khai và kết quả đã đạt được của Chương trình trong năm qua, cũng như những định hướng trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển mới với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số, được cụ thể hóa trong tăng trưởng ngành năng lượng. Việt Nam sẽ tập trung vào hai lĩnh vực là chuyển đổi năng lượng, trong đó tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, và thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - một lĩnh vưc có vai trò rất quan trọng.
Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz phát biểu tại cuộc họp.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Nicolai Prytz cho rằng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Đây là một trong những ưu tiên của cộng đồng quốc tế, cũng là lĩnh vực được Đan Mạch đầu tư rất nhiều và đạt được những kết quả khả quan.
Trong năm vừa qua, Chương trình DEPP3 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ngài đại sứ tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai bên sẽ càng năng động, đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa.
Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 (gọi tắt là Chương trình DEPP3) là dự án do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản. Chương trình nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển carbon thấp cho ngành năng lượng phù hợp với cam kết NDC, nâng cao mục tiêu NDC và tăng cường các giải pháp liên quan vào năm 2025.
Cuộc họp tập trung đánh giá tiến độ triển khai các hoạt động năm 2024, thống nhất kế hoạch thực hiện của Chương trình trong thời gian còn lại.
Theo đó, Chương trình DEPP3 gồm 3 hợp phần: Hợp phần 1: Nâng cao năng lực về Quy hoạch ngành năng lượng dài hạn; Hợp phần 2: Nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện; Hợp phần 3: Phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp.
Trong năm 2024, cả ba hợp phần của Dự án đều được triển khai tích cực và mang lại nhiều kết quả khả quan. Tại cuộc họp, ông Loui Algren, Quản lý dự án quốc gia, Cục Năng lượng Đan Mạch đã trình bày báo cáo tình hình triển khai các hoạt động của Chương trình năm 2024.
Kết quả cho thấy, Hợp phần 1 do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì đã hoàn thành và công bố báo cáo Triển vọng năng lượng; báo cáo nghiên cứu lập sơ đồ cơ sở hạ tầng cảng biển cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi và tạo việc làm ở Việt Nam; sổ tay hướng dẫn và hoạt động đào tạo sử dụng mô hình TIMES Việt Nam cùng các hoạt động tham quan học tập chia sẻ tại Đan Mạch về công nghệ Power-to-X và chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi.
Tại Hợp phần 2 do Cục Điều tiết điện lực chủ trì, cơ quan đã tổ chức khóa đào tạo an ninh mạng trong lĩnh vực năng lượng; các cuộc họp chuyên gia với các bên liên quan về tăng cường tuân thủ quy định năng lượng tái tạo; xây dựng hạ tầng sạc xe điện; góp một số quy định và các bản dự thảo Luật Điện lực sửa đổi; lựa chọn 02 nhà máy nhiệt điện tham gia vào hoạt động vận hành linh hoạt nhà máy điện; đồng thời triển khai hoạt động chia sẻ kiến thức về các dịch vụ phụ trợ với Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO).
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững báo cáo kết quả thực hiện Hợp phần 3: Phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp.
Ở Hợp phần 3 do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chủ trì đã hoàn thành triển khai thí điểm Chương trình VAS và đánh giá kết quả triển khai giai đoạn đầu cùng các kiến nghị liên quan; xây dựng và hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn và cẩm nang công nghệ cho Chương trình DEPP3; triển khai hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Xuất sắc về Hiệu quả Năng lượng (CoE); thực hiện 10 kiểm toán năng lượng trong 10 ngành công nghiệp được chọn cùng đánh giá tình hình áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng trong 04 ngành/phân ngành công nghiệp. Tháng 9 năm 2024, một chuyến thăm sang Đan Mạch của các bên liên quan nhằm trao đổi và học tập kinh nghiệm triển khai hoạt động kiểm toán năng lượng cho các bên. Đặc biệt, khái niệm về Thỏa thuận tự nguyện và Quỹ Tiết kiệm năng lượng đã được đưa vào dự thảo Luật Tiết kiệm năng lượng sửa đổi.
Bên cạnh các kết quả tích cực của các hợp phần, một số nội dung được triển khai năm 2024 vẫn chưa hoàn thành. Do đó, các hoạt động chưa hoàn thành trong năm 2024 sẽ được chuyển giao và tiếp tục thực hiện trong năm 2025 và hoàn thành trước khi Chương trình DEPP3 kết thúc vào tháng 3 năm 2026.
Nguồn: Chương trình DEPP3.