Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt nam
Dự án VSUEE do Bộ Công Thương triển khai từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2026, nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp Việt Nam. Dự án không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng mà còn thực hiện các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Tọa đàm có sự tham gia của đại diện từ Bộ Công Thương, Ngân hàng Thế giới, các tổ chức tài chính. Đặc biệt sự kiện quy tụ nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp trên khắp cả nước. Đây là cơ hội để các bên thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp cụ thể, đồng thời kết nối tổ chức tài chính với doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các dự án TKNL trong ngành công nghiệp Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Giám đốc Dự án phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Giám đốc Dự án, cho biết: “Trong những năm qua, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững. Năm 2020, Nghị quyết số 55/NQ-BTC ngày 11 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045” đã nêu rõ: tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của toàn xã hội.”
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019–2030, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc tối ưu hóa nguồn năng lượng. Chương trình đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng nhưng mang ý nghĩa chiến lược: tiết kiệm từ 5% đến 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2019–2025 và từ 8% đến 10% trong giai đoạn 2019–2030.
Ngành Công nghiệp hiện đang chiếm tới hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng của Việt nam, là một trong những lĩnh vực tiêu tốn năng lượng nhiều nhất. Trong bối cảnh đó, Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE) ra đời nhằm mục đích thúc đẩy cải thiện hiệu suất năng lượng và khuyến khích đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Tại Tọa đàm, Ban Quản lý Dự án đã giới thiệu chi tiết về các hoạt động và mục tiêu của Dự án VSUEE, bao gồm các hỗ trợ kỹ thuật và tài chính dành cho doanh nghiệp công nghiệp và tổ chức tài chính thúc đẩy các dự án TKNL. Đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) - Đơn vị thực hiện chương trình (PIE) giới thiệu về Quỹ Chia sẻ Rủi ro (RSF), quy trình bảo lãnh và cách thức doanh nghiệp tham gia vào quỹ này để nhận hỗ trợ tài chính cho các dự án TKNL. Quỹ Chia sẻ rủi ro thuộc hợp phần 1 của Dự án VSUEE có quy mô 75 triệu USD từ nguồn vốn hoàn lại do Quỹ Khí hậu Xanh cấp thông qua Ngân hàng Thế giới. Quỹ được thành lập để cung cấp giảm thiểu rủi ro tín dụng của các tổ chức tài chính tham gia khi cho vay các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng dưới hình thức phát hành bảo lãnh tín dụng RSF.
Bà Nguyễn Thu Phương, Điều phối Dự án VSUEE giới thiệu tổng quát về Dự án.
Ông Đỗ Tuấn Linh, đại diện Ngân hàng SHB chia sẻ về Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF).
Bên cạnh đó, Ông Dương Chí Công - Chuyên gia năng lượng, Công ty Cổ phân giải pháp Công nghệ Việt (VETS) đã chia sẻ về sáng kiến công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng tiên tiến trong ngành công nghiệp hiện nay. Nội dung trình bày của ông tập trung vào các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm: Các phương pháp tiếp cận tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp nói chung; Các giải pháp đặc thù cho các ngành sản xuất như xi măng, dệt may, nhựa, giấy, thép, rượu bia giải khát và chế biến thủy sản. Những giải pháp này không chỉ góp phần giảm chi phí sản xuất mà còn thúc đẩy phát triển bền vững trong bối cảnh ngành công nghiệp đang đối mặt với những thách thức về môi trường và năng lượng.
Ông Dương Chí Công - Chuyên gia năng lượng cung cấp thông tin về các sáng kiến công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, hai trạm thông tin được tổ chức để tạo cơ hội cho doanh nghiệp và tổ chức tài chính trực tiếp trao đổi, làm rõ các vấn đề liên quan đến công nghệ và tài chính trong triển khai các dự án TKNL.
Trạm thông tin 1 “Giải pháp TKNL và các hỗ trợ kỹ thuật” tập trung vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng và các hỗ trợ kỹ thuật, với sự tham gia của các công ty cung cấp dịch vụ năng lượng (ESCO) và các nhà cung cấp thiết bị tiết kiệm năng lượng (EESP). Nội dung thảo luận tại đây bao gồm quy trình công nghệ, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, thiết bị tiết kiệm năng lượng, cùng các hỗ trợ kỹ thuật như kiểm toán năng lượng, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, và đánh giá tác động môi trường - xã hội.
Trạm thông tin 2 “Con đường tài chính” cung cấp thông tin về các sản phẩm tài chính hỗ trợ các dự án TKNL, bao gồm Quỹ RSF, quy trình tài chính, các sản phẩm vay vốn và các cơ chế bảo lãnh từ các tổ chức tài chính. Doanh nghiệp có cơ hội trao đổi trực tiếp với các tổ chức tài chính để hiểu rõ hơn về các cơ hội tài chính, cũng như cách thức tham gia các dự án TKNL qua các chương trình hỗ trợ tài chính.
Trạm thông tin "Công nghệ" và "Tài chính" cung cấp các thông tin chi tiết cho các đại biểu tham dự Tọa đàm về các giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng và các nguồn tài chính đầu tư tiết kiệm năng lượng.
Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng - Hiệu quả đầu tư” không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tiếp cận các giải pháp công nghệ TKNL tiên tiến mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối với các tổ chức tài chính, thúc đẩy đầu tư vào các dự án TKNL. Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới kỳ vọng sự kiện này đóng góp thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp TKNL trong ngành công nghiệp Việt Nam, hướng đến một nền công nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả năng lượng cao hơn theo định hướng Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030.
Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF) là một hợp phần Dự án VSUEE có quy mô 75 triệu USD từ nguồn vốn hoàn lại do Quỹ Khí hậu Xanh cấp thông qua Ngân hàng Thế giới. Quỹ được thành lập để cung cấp giảm thiểu rủi ro tín dụng của các tổ chức tài chính tham gia khi cho vay các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng dưới hình thức phát hành bảo lãnh tín dụng RSF. Mục tiêu Tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả trong các ngành công nghiệp Việt Nam thông qua: (a) khuyến khích đầu tư khu vực tư nhân vào các dự án tiết kiệm năng lượng; và (b) cung cấp thêm hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực cho các bên liên quan trong thị trường tiết kiệm năng lượng. Cơ chế bảo lãnh Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) được Ngân hàng Thế giới và Bộ Công Thương lựa chọn làm Đơn vị thực hiện chương trình (PIE). SHB sẽ quản lý và vận hành Quỹ RSF trong suốt 15 năm triển khai Dự án bao gồm hai giai đoạn: 05 năm đầu phát hành bảo lãnh và 10 năm sau thu hồi bảo lãnh. SHB sẽ phát hành bảo lãnh RSF cho các khoản vay của PFI có mục đích đầu tư cho tiết kiệm năng lượng (Tiểu dự án hợp lệ) của doanh nghiệp công nghiệp hoặc ESCO. |
Ban Quản lý Dự án VSUEE.